5 kỹ năng giúp bạn trở thành nhà Thiết kế đồ họa chuyên nghiệp
5 Kỹ năng ngoài chuyên môn giúp bạn trở nên chuyên nghiệp hơn trong hành trình trở thành một designer thực thụ. Liệu bạn đã có đủ những kỹ năng này chưa?
Thiết kế đồ họa là lĩnh vực yêu cầu người làm việc phải sáng tạo không ngừng và cập nhật xu hướng nhanh chóng. Đây cũng là ngành có tỉ lệ đào thải cao do mức độ cạnh tranh lớn. Vì vậy hãy trang bị cho mình những kỹ năng để giúp bạn trở nên chuyên nghiệp, ưu tú hơn trong mắt nhà quản lý.
Dưới đây Epix sẽ chỉ cho bạn 5 kỹ năng hữu ích giúp bạn trau dồi năng lực của mình, trở nên ưu tú hơn.
1. Kỹ năng tự học
Dù đang đi học hay đã đi làm thì kỹ năng tự học vô cùng quan trọng. Hãy luôn ghi nhớ rằng những kiến thức mà mình có hôm nay chỉ là hạt muối giữa đại dương vô tận. Trong thời đại số hóa, việc cập nhật những xu hướng mới, công nghệ mới là rất quan trọng & cần thiết cho các Designer. Nó sẽ giúp bạn nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng nhanh và chính xác nhất.
Kỹ năng tự học là điều cần thiết để cải thiện tư duy
Do ảnh hưởng của biến động kinh tế trong vài năm gần đây, rất nhiều công ty lao đao xuống dốc. Đây chính là lý do để ngành sáng tạo đào thải và sàng lọc nguồn nhân sự chất lượng cao. Do vậy khả năng tự học giúp bạn chủ động cập nhật những xu hướng mới, công nghệ mới và ngày càng phát triển kỹ năng của mình.
2. Kỹ năng quản lý thời gian
Quản lý thời gian tốt sẽ giúp bạn làm việc đúng tiến độ
Quản lý thời gian là kỹ năng quan trọng với mọi ngành nghề, thiết kế đồ hoạ cũng không ngoại lệ. Trong một tuần Designer sẽ phải thiết kế rất nhiều ấn phẩm và làm nhiều phần công việc khác nhau. Chưa kể hầu hết các Designer có kinh nghiệm sẽ không làm chuyên một công ty mà cùng lúc làm nhiều dự án. Do đó nếu không biết cách quản lý và phân chia thời gian hợp lý, bạn sẽ không thể hoàn thành tốt công việc của mình.
Vì vậy, hãy lập thời gian biểu mỗi ngày cho bản thân, liệt kê những việc cần làm. Nếu là người hay quên, bạn có thể đặt nhắc hẹn trên điện thoại hoặc ghi chú vào sổ. Điều này sẽ tạo thói quen quản lý thời gian cho bạn.
3. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Giải quyết vấn đề tận gốc để đạt được thành tựu ưng ý
Người thiết kế đồ họa chính là người giải quyết vấn đề; hiện thực những câu nói, thông điệp của thương hiệu thành hình ảnh, video… để mang lại hiệu quả cao nhất. Có rất nhiều trường hợp khách hàng tìm đến thiết kế, kể về những mong muốn nhưng không hề gợi ý một chút ý tưởng nào. Đấy là lúc bạn phải dựa vào những kinh nghiệm mình có để xử lý vấn đề cho khách hàng và tạo ra sản phẩm chất lượng nhất.
Đừng chờ đợi bất cứ khách hàng nào, mỗi ngày bạn hãy tự đặt ra vấn đề cho bản thân và tìm cách giải quyết. Hãy luôn đặt ra câu hỏi “Nếu như thế này… thì giải quyết như thế nào, thiết kế như thế nào?” Hãy liên tục làm mới bản thiết kế cũ của mình theo một cách khác. Điều này sẽ giúp bạn rèn luyện sự sáng tạo và nâng cao khả năng xử lý vấn đề của bạn.
4. Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là chìa khóa để thành công
“Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” - bạn đã đọc quyển sách này chưa? Nếu chưa thì hãy tìm đọc ngay nhé! Nhiều người nghĩ rằng, Designer sẽ làm việc cặm cụi với chiếc máy tính, giao tiếp giỏi là điều không cần thiết. Quan điểm này là sai nhé!
Chắc bạn không muốn mãi chỉ là một người nhân viên cấp dưới có mức lương <10 triệu đâu đúng không? Kỹ năng giao tiếp vô cùng quan trọng, giúp bạn truyền đạt ý kiến, ý tưởng của mình một cách rõ ràng và hiệu quả tới khách hàng. Điều này sẽ khiến tiến độ công việc của bạn trở nên nhanh hơn.
Đặc biệt trong nhiều trường hợp, bạn phải dùng kỹ năng này để phản biện và bảo vệ ý tưởng, sản phẩm mình thiết kế ra.
5. Kỹ năng cân bằng cảm xúc
Cân bằng cảm xúc là yếu tố giúp bạn trở nên chuyên nghiệp hơn
Trong thiết kế, việc duy trì cân bằng cảm xúc là rất quan trọng, bạn không thể chỉ làm việc theo hứng được. Do vậy kỹ năng cân bằng cảm xúc sẽ giúp bạn duy trì sự ổn định và hiệu quả trong công việc.
Nghề thiết kế đồ hoạ cũng được mệnh danh là “dâu trăm họ”, rất khó chiều lòng mọi người. Bản thiết kế của bạn có thể sẽ không được duyệt ngay mà phải trải qua hàng chục cái feedback. Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy người nhận xét thiếu chuyên môn và trở nên mất bình tĩnh. Nhưng hoàn cảnh nào cũng phải cân bằng cảm xúc, lắng nghe, thấu hiểu, dùng kỹ năng giao tiếp để giải quyết vấn đề. Nếu không bạn sẽ rơi vào những hoàn cảnh khó xử, căng thẳng nơi công sở.
Do vậy để trở thành một Designer giỏi bạn không chỉ cần có kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn cần phải trang bị cho mình những kỹ năng ngoài chuyên môn. Những kỹ năng này không chỉ giúp Designer phát triển cá nhân mà còn mang lại hiệu quả cao trong công việc thiết kế đồ họa cho bạn, giúp bạn ngày càng tiến xa trong ngành thiết kế đồ họa.